Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng mới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch tiêu cực khi VN-Index có tới hơn 280 mã giảm sàn.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại. Theo đó, khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4.
Ngoài ra, khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ sẽ phải chịu thêm mức thuế bổ sung áp dụng từ 9/4, trong đó Trung Quốc bị đánh thuế tổng cộng 54%, EU 20% và Việt Nam 46% – nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Campuchia, Indonesia, Myanmar.
Trong sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ ngành sau tuyên bố của Mỹ về mức áp thuế mới với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Cuộc họp có sự tham gia của người đứng đầu các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước cùng nhiều cơ quan khác.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu để có đối sách chủ động khi Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với Việt Nam. Ông giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo các bộ ngành, ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp, nhất là đơn vị xuất khẩu lớn.
Theo số liệu từ Cục Hải Quan, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD. Có 15 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, trong đó 3 nhóm áp đảo gồm máy tính – linh kiện với 23,2 tỷ USD; máy móc thiết bị và dệt may lần lượt 22 tỷ và 16,2 tỷ USD.
Điện thoại, gỗ hay giày dép cũng là nhóm hàng đem lại giá trị lớn, dao động 8,3-9,8 tỷ USD. Nông sản cũng có đóng góp quan trọng, như hạt điều và thủy sản lần lượt 1,15 tỷ và 1,83 tỷ USD hay cà phê gần 323 triệu USD.
Chỉ số VN-Index ghi nhận giảm gần 90 điểm, thanh khoản kỷ lục sau chính sách thuế đối ứng mới của ông Trump
Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên phản ứng tiêu cực với chính sách thuế nhập khẩu đối ứng mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm mạnh gần 88 điểm để đóng cửa ở mức 1.229,84 điểm.
Toàn sàn HoSE ghi nhận chỉ 13 mã tăng giá, trong đó có 3 mã tăng kịch trần gồm SVT của CTCP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông; YBM của CTCP Khoáng sản công nghiệp Yên Bái và SMA của CTCP Thiết bị Phụ Tùng Sài Gòn. 8 mã đứng ở giá tham chiếu và có tới 517 mã giảm trong đó 282 mã giảm kịch sàn.
Hàng trăm mã cổ phiếu giảm sàn
Cùng với đà giảm mạnh về chỉ số, thanh khoản sàn HoSE cũng tăng mạnh với hơn 1,762 tỷ cổ phiếu, giá trị hơn 39.594 tỷ đồng được các nhà đầu tư sang tay.
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng giảm 93,76 điểm sau khi chứng kiến cả 30 mã giảm (gồm 28 mã giảm giá sàn).
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng rung lắc dữ dội. HNX-Index giảm 17,18 điểm (-7,21%) xuống 220,95 điểm.
Trong ngày giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều mã cổ phiếu chứng khoán có thanh khoản tăng vọt. Trong đó, STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ghi nhận hơn 90,99 triệu cổ phiếu được sang tay giá trị giao dịch đạt hơn 3.387 tỷ đồng; MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội cũng có hơn 86 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị hơn 1.986 tỷ đồng; HPG của Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận hơn 80,6 triệu cổ phiếu được giao dịch giá trị hơn 2.000 tỷ đồng; SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội cũng có hơn 74 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị giao dịch đạt hơn 880 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 132 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị bán ròng hơn 3.695 tỷ đồng.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách tăng thuế quan toàn cầu sẽ sớm làm tăng chi phí cho các tập đoàn lớn của Mỹ đang hoạt động ở Việt…